Cảnh giác lừa đảo bằng cách tuyển dụng duyệt đơn Shopee. Các chiêu trò lừa đảo lợi dụng lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng nhiều với các thủ đoạn phức tạp, tinh vi. Những ví dụ về lời mời chào công việc làm tại nhà với mức lương cao đã trở nên phổ biến. Đó là trò lừa đội mác công việc đánh máy, chốt đơn tại nhà… có thể làm trong thời gian rảnh và được hưởng những mức lương “trên trời”.
Lời hứa hẹn về mức thu nhập cao
Mức thu nhập cao khi cộng tác viên hoàn thành nhiệm vụ được hứa hẹn bằng những lời cam kết chắc chắn, chuyên nghiệp. Cụ thể, tổng số tiền thưởng của cả ba lần rút lên đến 800 nghìn chỉ bằng thực hiện ba gói nhiệm vụ bao gồm thanh toán 15 đơn hàng. Một số “nhà tuyển dụng lừa đảo” khác sẵn sàng trả số tiền cao hơn, lên đến hàng triệu đồng.
Trong những đơn hàng được yêu cầu, càng những đơn hàng về sau, giá trị tiền mặt mà nạn nhân phải trả càng lớn. Khi có bất cứ thắc mắc nào, kẻ lừa đảo nhanh chóng bao biện với lời lẽ rằng “Các đơn hàng được sắp xếp hoàn toàn ngẫu nhiên, giá trị đơn hàng cao bạn sẽ nhận được nhiều hoa hồng hơn”. Thực tế chỉ ra rằng không hề có sự ngẫu nhiên nào ở đây cả.
Tiền thưởng và tiền chuyên cần đạt được khi bạn hoàn thành xong các nhiệm vụ trong một ngày, tức là ứng viên phải nạp thêm một số tiền nhất định mới có thể nhận mức lương hứa hẹn.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là số tiền nạp vào hoàn toàn không thể rút được cho dù đó là số tiền lớn hay nhỏ, và điều này chỉ được nhận ra khi con mồi đã hoàn toàn mắc bẫy. Vào thời kỳ đầu, nạn nhân không hay biết về nguy cơ nạp bao nhiêu mất bấy nhiêu, họ thực hiện nhiệm vụ là thanh toán ngay khi có yêu cầu, bị thao túng đến độ khó mà dừng lại.
Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp
Kẻ lừa đảo thường xây dựng hình ảnh hào nhoáng bằng cách chia sẻ những khoảnh khắc cuộc sống sang chảnh: check-in tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng, mua sắm đồ hiệu đắt đỏ, thậm chí khoe tiền, sổ đỏ đầy tay…
Theo như những gì các cá nhân này dựng lên, họ được tận hưởng cuộc sống nhàn rỗi, thành công và giàu có. Họ thể hiện việc sẵn sàng chia sẻ bí quyết cho bất cứ ai, đồng thời tạo nên vô số các nội dung thúc đẩy mong muốn làm giàu của người đọc. Bạn chỉ cần liên hệ để nhận một công việc dễ dàng, đơn giản và hái ra tiền.
Một cách phổ biến hiện nay là biến một kẻ lừa đảo trở thành nhiều kẻ lừa đảo. Dễ hiểu hơn, một cá nhân quản lý nhiều tài khoản mạng xã hội, cách này giúp “nhà tuyển dụng” spam dày đặc và tiếp cận được nhiều nạn nhân.
Chúng có thể đánh cắp thông tin, hình ảnh từ người khác để xây dựng lên những trang cá nhân uy tín, đáng tin cậy. Thời đại của chia sẻ thông tin công khai là cơ hội để các đối tượng trở thành bất cứ ai, bất cứ người giàu có, xinh đẹp nào một cách chân thật nhất.
Ở một mức độ tinh vi hơn, chúng sử dụng các công cụ tăng lượt like, comment nhằm tăng độ tin cậy trong từng bài viết. Vì vậy, những hình ảnh đưa ra trên trang cá nhân chưa chắc là thật, hình ảnh mà bạn nhìn thấy không hẳn là người đang hướng dẫn bạn nhận nhiệm vụ. Thực chất phía sau màn hình kia có thể chỉ là một nhân viên “rởm”, làm công việc mạo danh người khác.
Kẻ lừa đảo thường nhắm đến những người còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống như tân sinh viên của các trường đại học. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng dễ bị lừa và không phải người đã đi làm nào cũng có thể vượt qua cám dỗ của việc nhẹ lương cao. Do vậy, bất cứ ai đều có nguy cơ trở thành nạn nhân, miễn là dễ dàng trao đi lòng tin tưởng. Đó có thể là sinh viên muốn có việc làm thêm trong khoảng thời gian rảnh hoặc người nhàn rỗi đang tìm kiếm một công việc trang trải cuộc sống.
Nhu cầu này trở nên cấp bách hơn khi hiện nay tình hình kinh tế suy thoái, tìm kiếm việc làm khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao. Mức độ cạnh tranh lớn cho các công việc lương cao, hoặc từ các công ty lớn có chế độ tốt.
Những bước đầu công cuộc lừa đảo duyệt đơn Shopee
Đầu tiên, hãy cùng StudentJob tìm hiểu những đối tượng tự nhận mình là nhân viên Shopee thực hiện những hành động đáng ngờ nào để tạo vỏ bọc nhằm đánh lừa những người chưa có kinh nghiệm như thế nào nhé.
Chiêu trò lừa đảo được chuẩn bị kỹ lưỡng
Sự kỹ lưỡng thể hiện ở việc “nhà tuyển dụng” thao tác đầy chuyên nghiệp, bài bản, sử dụng mẫu câu sẵn có, thậm chí dấu chấm phẩy giống hệt nhau. Các bước hướng dẫn rõ ràng, trơn tru, ứng viên có thể dựa vào để thực hành luôn.
Nhiệm vụ duy nhất của ứng viên là chốt đơn “ảo”, với mục đích tăng độ tương tác từ đó nâng cao uy tín của gian hàng. Theo lời các “nhà tuyển dụng”, đây là giao dịch giả, số tiền sẽ được hoàn lại sau khi nhiệm vụ hoàn tất, cộng tác viên có thể thu được lợi nhuận cao ngất ngưởng từ 10 đến 30% giá trị đơn hàng.
Kẻ lừa đảo sẵn sàng kiên nhẫn diễn giải nhiệt tình từng bước nếu ứng viên chưa hiểu. Chúng cố gắng tạo độ thân thiện và lòng tin, từ đó kéo gần khoảng cách của hai người xa lạ.
Trong quá trình làm việc, “nhà tuyển dụng” không ngừng khích lệ tinh thần, tâm lý ứng viên đồng thời khơi gợi nghĩa vụ và trách nhiệm mà công ty đặt ra. Công ty yêu cầu thái độ chuyên nghiệp, cần phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Kẻ lừa đảo không ngừng hối thúc cộng tác viên phải phản ứng ngay, không có thời gian xem xét, suy nghĩ cân nhắc vấn đề tiền bạc.
Giả mạo Shopee để lừa đảo tuyển dụng
Shopee là kênh thương mại điện tử lớn, chiếm thị phần cao và có sức cạnh tranh cùng độ phủ sóng rộng rãi nhất hiện nay. Lợi dụng uy tín từ công ty, nhiều thành phần mạo danh nhân viên, tự xưng những chức vụ cao như quản lý, leader đang tìm kiếm ứng viên. Họ xuất hiện dày đặc, lan tràn trên khắp các kênh, hội nhóm tìm kiếm việc làm với lời mời gọi tuyển chọn dễ dàng, không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm.
Trên thực tế, quá trình để trở thành một nhân viên hay một cộng tác viên của Shopee khá phức tạp và công phu. Vị trí cần tuyển có thể chịu sự cạnh tranh từ nhiều ứng viên khác chứ không nhận ồ ạt và gấp gáp “chỉ còn 3 ngày cho vị trí cộng tác viên, ứng tuyển ngay!”.
Nếu không tìm hiểu kỹ càng, ứng viên sẽ dễ bị thao túng và tin vào bất cứ lời bịa đặt từ kẻ lừa đảo.
Tìm trọ trên mạng mà cũng bị … lừa tiền
Theo phản ánh của N.Q.Đại - sinh viên năm nhất trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cậu đã từng trải nghiệm quá trình đội lốt cho thuê nhà trọ để tuyển cộng tác viên chốt đơn Shopee.
Vào đợt đầu năm học, Đại đã chủ động tìm kiếm nhà trọ trên các trang hội nhóm Facebook. Một đối tượng tiếp cận cậu và nhiều sinh viên khác bằng thông tin về khu nhà trọ giá rẻ đầy đủ tiện ích.
Khi thu hút được sự chú ý, đối tượng thay vì cho thuê phòng ở lại giới thiệu công việc cộng tác viên chốt đơn ảo. Chúng bày sự cám dỗ cho các nạn nhân về mức lương khủng, thời gian làm việc linh hoạt, có thể làm mọi lúc mọi nơi.
Các đối tượng thường đánh vào tâm lý khao khát kiếm tiền phụ đỡ bố mẹ, có tiền sinh hoạt phí cải thiện cuộc sống. Những mong ước chân chính bị lợi dụng để các nạn nhân sa vào mất trắng hoặc nợ nần.
Quay trở lại trường hợp của Đại, có thể thấy kẻ lừa đảo thường chọn các thời điểm nóng (sau khi có điểm thi đại học, những đợt tìm trọ tăng cao,...) để đăng bài trên các hội nhóm. Giá phòng rẻ đến bất ngờ. Ảnh và các thông tin liên quan thường không đáng tin cậy hoặc lấy từ người khác.
Thủ đoạn lừa đảo đa dạng không chỉ dừng ở nhà trọ, cần lưu ý rằng chúng còn bày ra các cách khác như bán combo du lịch giá rẻ, “chủ động nhắn tin để nhận tư vấn miễn phí về các vấn đề bạn gặp phải”... để người đọc tự chủ động tìm đến.